Khoảng năm 1962-1967, điện Trời Gầm trên đỉnh Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) là nơi đặt cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy An Giang. Dường như từ trước đến nay, chưa người dân nào khám phá hết lò ảng và độ sâu của khu vực này.
< Hang Trời Gầm.
Đường xuống mê cung
Mùa này, ở vùng Bảy Núi trời mưa rúc rắc, vườn tược xanh mướt. Từ dưới chân Ô Tà Sóc (khu vực núi Dài) men theo con đường bậc thang xuyên qua sườn, đồi, xung quanh triền núi hầu như người dân đều trồng xoài cát Hòa Lộc, một loại trái có tiếng ngon và cho huê lợi rất cao.
Gặp anh Lê Quang Sắt (43 tuổi) gánh xoài tuột dốc để cân cho thương lái, anh chỉ dẫn một cách cặn kẽ đường đến điện Trời Gầm. Chia tay, anh Sắt còn dặn: “Điện Trời Gầm sâu lắm phải có người dẫn đường thì đi mới được. Nếu đi một mình coi chừng bị kẹt lại dưới hang sâu…”.
Nghe anh Sắt cảnh báo, chúng tôi mới tìm một “thổ địa” trồng vườn gần đó. Thật may, chú Lê Văn Lía (ba Lía 53 tuổi) tình nguyện dẫn chúng tôi xuống điện Trời Gầm. Vừa bước vào miệng hang, không gian tối sầm, lạnh ngắt, chúng tôi tính bỏ cuộc thì ba Lía trấn an: “Lâu lâu mới đi một lần cho biết. Tôi trồng vườn và gánh mướn ở đây từ cha sanh mẹ đẻ đi xuống hang không biết bao nhiêu lần nhưng cũng chỉ đi được khoảng 50-60m là trở lại”.
Phía ngoài hang có một tảng đá lớn hơi nghiêng nằm chồng lên những phiến đá nhỏ. Cầm chiếc đèn pin mượn từ những chủ vườn gần đó, ba Lía rọi đèn, rồi lần mò dắt chúng tôi khám phá hang động. Bước xuống độ sâu khoảng 20m, nhìn lên phía trên là những tảng đá khổng lồ chồng chất lên nhau, trông như một mái nhà kiên cố. Dường như lâu lắm rồi chẳng có người xuống hang khám phá nên dọc theo các hốc đá có vô số dơi quạ, dơi sen trú ngụ. Thấy ánh đèn lướt qua, những con dơi bị đánh thức bay tán loạn.
Vào càng sâu trong hang, không khí càng lạnh và xuất hiện nhiều ngã rẽ. Mặc dù đã khám phá nhiều lần trong hang, nhưng ba Lía vẫn không tài nào nhớ hết đường đi nước bước trong hang. Thậm chí có những đoạn khó đến nỗi chúng tôi phải nghieng mình chen qua thì mới lọt, có nơi phải qua bằng cách trườn mình.
Đi sâu khoảng 60m, không gian im phăng phắc, chỉ cần tắt đèn thì chẳng thấy mọi vật xung quanh. Cố rọi đèn để tìm lối đi, chúng tôi lại thấy xuất hiện thêm 2 ngõ nữa, sợ đèn hết pin, ba Lía nói với tôi: “Lúc nãy phải chi đem sợi dây để làm dấu theo lối đi, khi lên không sợ lạc đường”.
Đi mãi đi mãi chẳng thấy đường cùng, tôi và ba Lía quyết định chon cách an toàn là leo lên, chịu thua độ sâu thăm thẳm và những điều kỳ bí dưới hang Trời Gầm.
Nơi lưu dấu bước chân các chiến sĩ năm xưa
Theo lời kể của ông Trần Chánh Phú (54 tuổi), người trồng vườn ở đồi Thanh Trong, ngày trước ông từng đánh liều đốt đèn cầy đi xuống điện Trời Gầm để tìm đồ quý dưới hang.
“Hồi đó, ông út Công nghe những bộ đội kể lại dưới hang sâu còn rất nhiều quân trang, quân dụng, phế liệu, thậm chí còn cả 2 thùng vàng. Thấy vậy, tôi mới đánh liều một phen xuống hang. Lúc đó, nghe nói đến vàng mình ham. Khi đi, tôi đâu dám cho vợ, con hay mà đợi lúc cả nhà đi chơi tôi mới đem đèn pin, đèn cầy, bánh tét, nước mang theo dự phòng lạc đường còn có lương thực để sống”, ông Phú nói.
Để không bị lạc đường, ông Phú mang theo bó dây dài trên 500m. Điểm đầu, ông buộc chặt vào một tảng đá phía trên, sau đó đi đến đâu là thả dây làm dấu đến đó. Khi nào bí đường thì ông trở lại tìm hang khác mà đi. Có hang xuống độ sâu khoảng 100m, với nhiều hốc rộng thênh thang, nước rỉ từ nhũ đá chảy róc rách mát rượi.
“Nhiều chỗ vẫn còn sót lại mũ, áo, quần của mấy ổng hồi trước (các chú bộ đội), mình đâu dám lấy. Có nơi còn rơi vãi cả vỏ đạn, nồi niêu, chảo… Hang sâu tối mịt, vàng đâu không thấy mà thấy lo cho tính mạng của mình. Nếu lỡ đi lạc ở dưới hang chừng 3 ngày mà không có lương thực và đèn thắp sáng thì coi như bỏ mạng nên tìm đường trở lên”.
Còn anh Võ Văn Nhứt, một chủ quán nằm dưới chân núi cho biết, những năm sau giải phóng, cũng nghe lời đồn đoán dưới điện Trời Gầm có nhiều của quý, nhiều người cũng hiếu kỳ đốt đèn cầy xuống hang tìm. Có đoàn mang theo lương thực đi nhiều ngày trong hang mà cũng chẳng tìm thấy gì cả chỉ thấy những đồ quân trang, quân dụng của bộ đội còn sót lại. Nhiều người đi xuống hang trở về đồn đoán ở dưới có nhiều điều kỳ bí.
Ngoài ra, ở khu vực điện Trời Gầm còn có các hang nổi tiếng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như: Hang Phụ Nữ, hang Quân Y, hang Hậu Cần… Thường khách đi đông nhất vào các ngày lễ lớn, ngày rằm. Đến đây, du khách sẽ thán phục trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, với những khối đá khổng lồ chồng chất lên nhau, ăn thông nhau như một mê cung đá kỳ bí.
Thượng tá Lê Văn Thắng, Đội phó Đội K93 cho biết: “Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khu vực đồi Ma Thiên Lãnh- Ô Tà Sóc, Sư đoàn 1, Sư đoàn 4, Tỉnh ủy An Giang, Tỉnh đội cùng các bộ phận khác chọn làm nơi đóng quân. Cách đây 2 năm, Đội K93 có đi 30 ngày xuyên suốt tìm hài cốt liệt sĩ tại khu vực đồi Ma Thiên Lãnh, Ô Tà Sóc. Riêng điện Trời Gầm sâu thăm thẳm nên các chiến sĩ chỉ tìm hài cốt quanh quẩn gần đó và trở về chứ chưa khám phá được độ sâu của hang núi. Cũng nghe nhiều người lớn kể lại, dưới hang sâu có nhiều lò ảng rộng lớn. Thậm chí còn có cả một hồ lớn trồng toàn sen…”.
Du lịch, GO! - Theo Thành Chinh (An Giang Online), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét