Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Khám phá hang Dơi ở Đồng Nai

Gần đây, trên báo chí nước ngoài, các nhà thám hiểm người Đức đã công bố một kết quả khảo sát khiến nhiều người sửng sốt. Đó là họ đã tìm thấy cụm hang động dung nham trên địa bàn huyện Tân Phú gồm 11 hang rộng lớn đủ cho người bình thường đi lại, được hình thành bởi những dòng dung nham núi lửa phun trào cách đây hàng triệu năm ở vùng đất này.

Sau hơn 50 ngày thám hiểm, khảo sát quần thể hang động tại huyện Tân Phú và huyện Định Quán (Đồng Nai) các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới Việt Nam và Hội Hang động Berlin của Cộng hoà Liên bang Đức đã phát hiện hang động có nguồn gốc dung nham do quá trình phun trào núi lửa tại khu vực huyện Tân Phú có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á.

< Cửa một hang Dơi ở Tân Phú.

Cụ thể, có 11 hang dung nham, với tổng chiều dài 1,8km. Trong đó, hang động dài nhất nằm tại xã Phú Lộc huyện Tân Phú, mà người dân nơi đây vẫn thường gọi là hang Dơi. Hang Dơi được ngăn cách bởi sự sụp đổ, đứt gãy, tạo ra hai hang là hang Dơi 1 và hang Dơi 2. Giữa hai hang Dơi này có một đoạn khoảng 10 mét bị đứt gãy do đất đá chèn vào. Vì thế, nếu tính tổng cộng cả hai thì , hang dơi này có tổng chiều dài 534m và được coi là hang dung nham dài nhất khu vực Đông Nam Á bởi trước đó, hang dung nham dài nhất thuộc về hang Gua Lawah tại Indonesia có tổng chiều dài 400 mét.

< Ông Nguyễn Văn Lâm dẫn đường cho chúng tôi tìm đến những hang Dơi.

Từ thông tin hấp dẫn đó, chúng tôi đã làm một cuộc thám du đến vùng đất đỏ nằm ven vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Biết nhưng chưa ai dám vào

Những ngày này, thời tiết vùng Đông Nam bộ nắng nóng rất gay gắt. Tuyến đường quốc lộ 20 đi Đà Lạt với lượng xe cộ đông đúc càng thêm oi bức, khó chịu. Khi chúng tôi tới địa bàn của thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú) hỏi đường đến hang Dơi ở đây thì nhiều người dân cũng tận tình chỉ cho biết.
Bác Nguyễn Văn Lâm, ngụ ở xã Phú Lợi (huyện Tân Phú) cho biết, trong khu rừng này có rất nhiều hang đá nằm rải rác với đặc điểm chung là từ xưa tới nay, nơi đây là địa điểm cư ngụ của hàng ngàn, vạn con dơi các loại.

Thỉnh thoảng cũng có một số người dân địa phương vào đó dùng lưới bắt dơi bán cho một số quán nhậu dưới Biên Hòa nhưng nhìn chung, ít ai dám vào đó… chơi vì cửa hang bé, nhìn vào sâu rất tối. Sau một hồi năn nỉ, cuối cùng lão nông hơn 60 tuổi có nụ cười khá thân thiện ấy cũng vui lòng dẫn chúng tôi xuyên qua những cây gỗ cao lớn với chằng chịt dây leo của khu rừng giá tỵ để tìm đến cửa hang dơi. Cây giá tỵ, còn gọi là “tếch” (tên khoa học là Tectona grandis, thuộc họ Verbenaceae).

Hang Dơi đầu tiên mà bác Lâm dẫn chúng tôi tới là một cái hang có cửa vào khá hẹp, chỉ đủ một thân người lách vào. Nếu muốn đi sâu vào bên trong thì phải có thêm một số dụng cụ hỗ trợ như bình thở khí oxy, mặt nạ, đèn chiếu sáng và dây thừng bởi ở đó rất tối, ẩm ướt lại đặc biệt khó thở khi có một lượng lớn phân, nước tiểu dơi thải qua nhiều năm tích tụ.

< Các hang động khác ở những vết đứt gãy của những quả đồi bằng đá xám, đá trắng khác thì tuyệt nhiên không có con dơi nào tìm đến.

Nói về điều này, ông Lâm cười bảo, “Tôi quê ở dưới Vũ Thư (Thái Bình) nhưng theo gia đình vào trong này từ trước năm 1975. Vì vậy, địa hình vùng rừng giá tỵ này tôi thuộc như lòng bàn tay. Ngoài một cửa hang Dơi ở đây, phía sau núi đá này còn ba hang Dơi nữa. Trên sườn núi cũng có một hang. Tuy nhiên, cũng như nhiều người dân trong vùng, họ đều biết đó là hang Dơi nhưng chưa ai dám vào vì mùi phân dơi rất khó chịu. Hơn nữa, cửa hang đa phần là nhỏ do mưa cuốn đất đá ở xung quanh chèn vào, nếu vào phải lách người rất khó khăn, có khi phải nằm bò trườn vào”.

Theo quan sát của chúng tôi, hang Dơi này nằm ở cách đường quốc lộ 20 khoảng 200 mét, là địa điểm thuộc vùng giáp ranh giữa huyện Định Quán và huyện Tân Phú và là 1 trong số 11 hang mà đoàn thám hiểm người Đức đã công bố. Mặc dù theo các tài liệu khảo sát, lòng hang rộng có nơi tới 10 mét, cao tới 4 mét nhưng cửa hang khá hẹp.

Trong gần một ngày trời tìm hiểu những hang dơi ở đây, ông Lâm dẫn chúng tôi tới tất cả 7 cửa hang. Có hang nằm ngay trên phần đất nương rẫy trồng chuối và trồng hồ tiêu của người dân trong vùng. Trong số đó, chỉ có duy nhất một cửa hang là có thể đi vào dễ dàng nhưng càng vào sâu, hang càng tối và có cảm giác nguy hiểm bởi nó ăn sâu trong lòng núi. Hang này khá rộng, hầu như không phải khom người mà đi bình thường nếu có đèn pin hay đèn măng-xông chiếu sáng.

Tuy nhiên, trong hang có nhiều dơi, nếu bật đèn chúng sẽ kinh động, bay loạn xạ và phát sóng siêu âm, có thể khiến người ta bị chóng mặt, ngất xỉu giữa chừng. Biết không phải là những người thám hiểm chuyên nghiệp có kinh nghiệm, ông Lâm bảo chúng tôi nên quay ra vì trong hang ngoài dơi còn một số loài động vật khác như nhện đen, chồn và ốc đá có thể gây nguy hiểm nữa.

Mặc dù chưa được đưa vào khai thác du lịch nhưng bằng cảm nhận khách quan, chúng tôi có thể thấy đây thực sự là một cảnh quan kỳ thú của thiên nhiên bởi những vòm hang này thông với nhau và có tổng chiều dài gần 2 cây số thì sẽ trở thành điểm thám du, dã ngoại thú vị cho giới trẻ nếu được chuẩn bị, khai thác hợp lý.

Nhiều bí ẩn xung quanh hang

Trong lúc ông Lâm dẫn chúng tôi đi thám hiểm những hang động dung nham ở đây, có một điều kỳ lạ mà chúng tôi nhận thấy là, dường như có một sự tương tác rất kỳ bí nào đó giữa loài dơi và những dung nham núi lửa đã nguội lạnh này. Theo đó, hầu hết những hang nằm trong núi, sườn núi hay sát mặt đất mà đàn dơi trú ngụ đều là những hang do dung nham tạo thành. Ngoài ra, các hang động khác ở những vết đứt gãy của những quả đồi bằng đá xám, đá trắng khác thì tuyệt nhiên không có con dơi nào tìm đến.

Hơn nữa, khi dơi tìm đến làm hang thì gần như chắc chắn đó là hang dung nham. Và, đây cũng chính là mấu chốt của việc những nhà khoa học người Đức đã tìm ra được quần thể hang động dung nham độc đáo này. Nói về điều này, một số người dân quanh vùng cũng cho biết, ngoài quần thể hang Dơi ở dưới khu rừng giá tỵ này, trong địa bàn tỉnh Đồng Nai còn có nhiều khu hang dơi nữa, cũng có hệ thống động khá đẹp nhưng cũng chưa được khám phá hết. Đó là những hang dơi nằm ở xã Vân Canh (huyện Định Quán) và hang dơi nằm ở xã Bàu Sen (thị xã Long Khánh). Và, gần như chắc chắn đó cũng là những hang dung nham nhưng chưa được khám phá hết.

Mặc dù không có được vẻ đẹp lỗng lẫy như những hang động được hình thành từ núi đá vôi ở Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nhưng với những gì đã được biết, quần thể hang động dung nham núi lửa độc đáo ở Tân Phú này cũng có thể làm mê đắm bất cứ ai muốn khám phá.

Trong lúc khảo sát trong lòng hang, chúng tôi có tận mắt chứng kiến những lớp đất đá được hình thành từ sự nguội đi của dung nham núi lửa thì thấy chúng có cấu tạo khác rất nhiều những lớp đất đá thông thường. Ngoài sự phản quang, những lớp đất đá dung nham cũng khá lạ kỳ dễ cuốn hút những ai muốn khám phá tìm tới.

Khám phá hang dung nham dài nhất ĐNÁ

Du lịch, GO! - Theo Đoàn Xá (Thesaigontimes.vn), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bếp từ, Bep tu, Bếp từ giá rẻ, Bếp từ hồng ngoại, Bếp từ đôi, Bếp điện từ, Bếp hồng ngoại, Bep hong ngoai