Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 4: “Cọp nước” miền Tây

Màu da vằn vện của nó chờn vờn xuyên qua bóng nước nhìn hung tợn như cọp beo nên người dân gán cho cái tên là cọp nước hay beo nước.

Cá nào rình bắt chim ăn thịt ?

< Cá bông ngày nay được nuôi bán thịt nên hiền như cá lóc đồng.

Khi biên khảo tập sách Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, nhà văn Sơn Nam có nhắc đến chuyện khó tin, rằng con ó đáp xuống sông, dùng móng nhọn bắt cá, nhưng bị cá to đớp lại, ó bị trói chân kêu la thảm thiết làm mồi cho cá.
Còn trong truyện Con cá chết dại ông miêu tả cái xứ mà cá lóc đớp mồi đùng đùng nhưng gặp ngay mùa cá dại, lũ cá lóc chết trôi lờ đờ đen cả bờ sông gây hiếu kỳ người đọc.

Miệt sông nước thiếu gì cá to nhưng là cá hiền, vậy loài cá nào rình bắt chim dữ ăn thịt? Ông Võ Xên, ngụ ở An Giang được phong tặng “thần đèn” do có biệt tài chỉnh nhà nghiêng lún cho biết ông Sơn Nam đâu có viết quá, cá dữ đó là cá bông gấm hay còn gọi là “cọp nước”. Ông cười: “Tôi đã già nhưng vẫn mê chuyện con cua, con cá đồng quê bởi nó là phần hồn, là thời thơ ấu khó phai”. Ký ức xưa cuộn trào đưa ông già 73 tuổi về thời niên thiếu.

Ngày ấy, ông Võ Xên mê tôm cá nên hay theo các lão ngư ở H.Thoại Sơn đi rình đâm cá bông gấm trong mùa nước nổi. Ông Xên nhớ lại: “Nó dài hơn 1 thước như  khối gỗ súc, da vằn vện, khi bơi lội nhìn sắc bông nó chờn vờn đáng sợ nên người ta gọi là cọp nước. Nó dữ lắm, gặp vật gì đang lội nó sấn lại táp”. Để bắt được cá, người ta lấy lao phóng, bị lao ghim vào da thịt, cá bỏ chạy kéo theo cây lao có buộc dây thừng dài đã cột chặt vào thùng to. Khi cá đuối sức người ta mới vây bắt, xẻ thịt bán bởi thịt cá rất ngon. Theo ông Xên, mật cá bông gấm càng lớn càng ngọt, người ta lấy mật chà lên thịt cá nào thì miếng thịt cá đó đem nấu ăn ngọt lự.

Ngư dân Sáu Kỷ (ngụ thị trấn Chợ Vàm, H.Phú Tân, An Giang) nhớ lại ngày xưa người ta quây cái tum trên cánh đồng ngập nước, sau đó lấy dây buộc chân con vịt to và thả ra cho vịt bơi lội gần tum. Khi thấy nước tự nhiên đục người săn cá núp trong tum biết cá bông gấm đang lội tới ăn vịt bèn cầm cây mũi chĩa thủ thế chuẩn bị đâm...

Nhà biên khảo Liêm Châu (89 tuổi), người được xem là pho sách sống vùng Thất Sơn (An Giang) nghi vấn cá bông gấm hay còn gọi là cá hồng vện là loài thủy quái từng gây kinh hoàng sông nước. Theo ông Châu, nếu người ta tin rằng con lươn sống lâu mặt hóa thành chồn thì hồng vện sống lâu năm mặt dữ như cọp beo. Ông Liêm Châu nhớ lại: “Té sông hay bơi qua sông gặp bầy hồng vện chừng vài con là bị chúng bu tới xâu xé. Mũi chúng thính nhạy với mùi máu, để diệt chúng người ta lấy trái bí đao già luộc chung với dây thuốc cá liệng xuống sông. Ruột bí đao giữ nhiệt độ lâu nguội, cá nuốt vào vừa bị trúng độc dây thuốc cá vừa bị cháy ruột chết. Những con hồng vện khác bu lại xâu xé xác cá cũng bị trúng độc chết theo...”. Theo ông Liêm Châu, ngày nay ở kinh rạch còn hồng vện nhưng cá rất nhỏ do lớn chưa kịp đã bị bắt.

Khiếp con bống mú

“Thần đèn” Võ Xên nói nhắc đến cá dữ mà bỏ qua cá bống mú là thiếu sót. Ông Xên nói lúc đọc truyện Cá bống mú của nhà văn Đoàn Giỏi (nổi tiếng với truyện Đất rừng Phương Nam), ông ngạc nhiên cá bống Vàm Rầy bộ dữ lắm sao mà nuốt cả người. Sau đó, ông Xên cùng bạn bè xuống Vàm Rầy, Hà Tiên công việc. Trong đoàn có người làm rơi vật dụng xuống kinh Vàm Rầy, anh này toan nhảy xuống kinh vớt thì nghe người dân la bài hải: “Coi chừng cá bống mú táp chết”. Theo ông Xên, trong truyện Đoàn Giỏi tả cá bống mú Vàm Rầy to bằng gian nhà một căn, hớp một hơi nuốt người vào bụng như cá lia thia đớp lăng quăng là hơi quá. Thực tế chúng dài khoảng 2 - 4 thước, chó mèo, gà vịt rớt xuống kinh làm mồi ngon cho chúng, còn người ta đang tắm thấy bóng chúng nhảy lên bờ liền.

Tôi ra Vàm Rầy, cái xứ mà xưa kia người dân thưa thớt, cọp đi để lại dấu chân, rắn hổ mây bò thành lằn, voi ỉa cứt còn nóng nay đã thành đường lộ,  đường làng lót đan. Người dân chỉ bà Nguyễn Thị Út (63 tuổi, ngụ ấp Giồng Kè, xã Bình Sơn, H.Hòn Đất, Kiên Giang) là dân cố cựu xứ này từng sống bằng nghề bắt cá. Bà Út gật gù nhớ lại ngày xưa người dân xóm này rất sợ cá mập, bống mú. Bà Út nói: “Hồi còn trẻ tôi cùng nhiều người trong xóm đi bắt cá, neo mình dưới nước bị bống mú, cá mập đớp bị thương hoài, có người bị cá táp cụt tay, cụt ngón chân...”.

Theo ông Võ Xên, cá lóc bông ngày nay là hậu duệ cá bông gấm được người ta nuôi bán thịt, con vài ký là bán nên tính hoang dại cũng giảm dần. Còn cá bống mú ngày nay nhỏ hiền như truyện Tấm Cám ngày xưa chẳng dọa được ai. Những con cá từng gây kinh hoàng cho người dân nay ẩn tích dưới đáy sâu.

Mà đâu gì con bống mú hay bông gấm, truyện Con cá chết dại mà Sơn Nam viết ở xứ nước mặn ngọt U Minh mỗi năm có một mùa cá dại nay cũng lạ dần. Vào mùa đó nước mặn cuối năm tràn vô rạch, bao nhiêu cá lóc nước ngọt bị say nước mặn, cuống cuồng bơi trốn không kịp chết trôi lờ đờ cho người ta vớt xác. Nhà báo Phan Trọng Ân (Báo An Giang) nhớ lại: “Câu chuyện trên đâu lạ gì với người dân Bảy Núi, bởi mùa cá dại ở miệt này xảy ra vào khoảng tháng 10 âm lịch, do nước cỏ có chứa phèn chua chảy ra làm cá tôm bị xốn, bị nổ mắt nên chúng ngoi đầu nổi lờ đờ trên nước cho người ta xúc, lấy chĩa đâm...”. Bây giờ mùa cá dại ở An Giang mới đó đã là chuyện xưa, con cá chết dại giờ còn chăng ở miệt nào đó trong cõi tâm thức của những người yêu mến Sơn Nam.

(Còn tiếp)
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6

Du lịch, GO! - Theo Thanh Dũng (báo Thanh Niên), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bếp từ, Bep tu, Bếp từ giá rẻ, Bếp từ hồng ngoại, Bếp từ đôi, Bếp điện từ, Bếp hồng ngoại, Bep hong ngoai