Các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, người Êđê ở Dak Lak nói riêng sống gần gũi với núi rừng, từ nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào này đã cho họ những món ăn ngon không thể thiếu trong cuộc sống và không lẫn vào các món ăn nào của dân tộc khác.
Cà đắng là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, sau này được người dân mang về trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm. Quả cà đắng giống cà pháo nhưng nhỏ hơn, có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt có vị đắng rất đặc trưng.
Cà đắng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trong bữa cơm của dân tộc Êđê như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt rừng hoặc cà đắng um với ếch... Ba loại gia vị không thể thiếu để tạo nên mùi vị độc đáo của các món từ cà đắng là ớt, lá é (lá quế xanh), lá và củ nén (gần giống lá hẹ).
Có lẽ ngon nhất, độc đáo nhất vẫn là món canh cà đắng nấu với nội tạng bò và wêc êmô (phèo bò). Món ăn hấp dẫn bởi vị đắng đằm thắm của cà đắng kết hợp với vị ngọt của nội tạng, mùi thơm của phèo bò và vị cay xé lưỡi của ớt, sự đậm đà, thơm lừng của lá é, lá và củ nén. Tất cả tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.
Người Êđê chế biến món canh cà đắng không cầu kỳ mà dân dã, đơn giản đến bất ngờ. Cà đắng khứa đôi hoặc bốn, ngâm nước muối pha loãng, đợi canh sôi mới cho vào. Sau khi cà chín, cho thịt và phèo bò vào cho đến khi thịt nhừ. Cũng có thể cho các loại rau rừng vào trong canh tạo ra hương vị rất lạ mà vẫn thơm ngon, hấp dẫn người thưởng thức. Sau khi đã nhấc nồi canh ra, giầm nát cà, rồi bỏ thêm lá é, lá và củ nén, thế là có một nồi canh cà đắng nấu với thịt, phèo bò thơm lừng.
Ngoài nấu chín, người Êđê còn ăn cà đắng sống, bằng cách giã nát cà rồi cho thêm gia vị: muối, ớt, bột ngọt, lá é, lá và củ nén. Món này rất cay, đậm đà, ăn được rất nhiều cơm. Người Êđê không có điều kiện đi chợ thường xuyên, nên các món ăn chế biến từ cà đắng rất gần gũi và thiết thực.
Bên cạnh cà đắng, rau djam tang cũng là một trong những “đặc sản của rừng” được người Êđê hay sử dụng để nấu nướng trong bữa ăn hằng ngày. Rau djam tang thường mọc ven sông Krông Ana, Krông Knô và sông Sêrêpôk. Do môi trường sống thay đổi, cộng với sự diễn biến thất thường của thời tiết, nên giờ đây djam tang dần dần khan hiếm.
Trong sáu tháng mùa khô ở Tây Nguyên, rau djam tang già cỗi, để đến mùa mưa rau trỗi dậy, vươn những mầm chồi nõn nà. Những năm trước đây, rau djam tang mọc ven sông rất nhiều. Có lẽ vì sống ven bờ sông, nên rau djam tang có thân mảnh, mềm mại hơn bất kỳ loại rau rừng nào khác.
Có lẽ, djam tang là một loại rau “nữ hoàng’’, vì sự dễ gãy cũng như sự dễ bị bầm úa của ngọn rau. Djam tang có thể nấu với nhiều món ăn khác nhau như nấu với cá suối, cá cơm, măng le, nấm và thịt rừng. Một trong những món ăn ngon nhất khi nấu rau djam tang, đó là nấu với cá suối.
Món canh này có vị ngọt của djam tang và vị bùi của cá suối, kết hợp hài hòa tạo nên vị ngọt bùi đọng lại khó quên. Ngoài ra, rau djam tang còn được dùng để muối chua chấm với các loại thịt, cá nướng. Với sự thơm ngon, hấp dẫn của món djam tang, không ai có thể cưỡng lại mùi vị độc đáo và rất riêng này…
Du lịch, GO! - Theo Y Minh Tuệ (Đắk Lắk Online), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét