Từ Đà Nẵng, chỉ sau nửa tiếng, chúng tôi đã có mặt tại Hội An. Đô thị cổ đón chúng tôi với ánh sáng lộng lẫy, ấm áp của những chiếc đèn lồng đủ kiểu dáng.
Phố cổ san sát những ngồi nhà cổ hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia.
Từ thế kỷ 16, 17, do giao thông đường thủy thuận lợi, các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ … tìm đến Hội An lập các thương điếm, tụ điểm mua bán rồi dần dần hình thành các khu phố. Từ đó, Hội An trở thành thương cảng lớn nhất Đàng Trong. Giữa các con phố tấp nập nằm trên các con đường hẹp là một dãy phố nằm sát bờ sông Hoài, soi bóng những ngôi nhà cổ xuống dòng sông.
Những ngôi nhà trên phố mái ngói rêu phong, chất liệu toàn bằng gỗ quý. Trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà trạm trổ hoa văn rất cầu kỳ.
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2001, Hội An đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Với 1.310 di tích, đô thị cổ Hội An là một quần thể kiến trúc gồm nhiều loại hình: Nhà ở, hội quán, đình, chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ...
Cũng như nhiều du khách khác, chúng tôi đến Hội An để tìm về quá khứ. Không có thời gian cho một cuộc hành trình xuyên suốt nhiều thế kỷ, chúng tôi đành chọn tham quan vài địa điểm tiêu biểu. Để có cái nhìn khái quát về lịch sử Hội An, chúng tôi chọn cụm bảo tàng, gồm Bảo tàng Lịch sử - Văn hoá, Bảo tàng gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh… Tiếp đó là tham quan các nhà cổ tiêu biểu như nhà cổ Quân Thắng, Nhà thờ Tộc Trần, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng…Các Hội Quán ở Hội An cũng rất hấp dẫn bởi mỗi địa điểm là một đặc thù kiến trúc khác biệt, tượng trưng cho trường phái kiến trúc của địa phương như Hội quán Triều Châu, Hội Quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Đông…
Chùa Cầu là hình ảnh đặc trưng của Hội An, được người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 17. Cầu bằng gỗ, lợp ngói âm dương, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát, mặt chính hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng. Điều đặc biệt của ngôi chùa này là trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người.
Chỉ trong vòng bán kính chưa đầy 2 km, chúng tôi được thưởng ngoạn hầu hết những cảnh đẹp, lối kiến trúc đậm chất Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản ở thế kỷ 16, 17 mà Hội An vẫn còn gìn giữ khá nguyên vẹn. Lang thang qua những con phố, bước đi trên những vỉa hè lát đá, nhìn ngắm những món hàng cổ hoặc giả cổ tại những cửa hàng bán đồ lưu niệm…. chợt có cảm giác như lạc vào một miền đất lạ bởi không khí yên bình và mộc mạc, khác xa với nhịp sống tất bật của thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống mỗi ngày.
Đến Hội An, một điều thú vị khác là thưởng thức các món ăn độc đáo của phố cổ mà nổi tiếng nhất là cao lầu. Thoạt trông, cao lầu không khác mỳ Quảng. Nhưng sợi cao lầu được làm bằng bột gạo. Theo những người dân địa phương, chỉ một số giếng nước cổ ở Hội An mới làm ra được sợi cao lầu ngon mà dẻo, mềm nhưng không bở…Có lẽ vì vậy mà cao lầu ngon chỉ có ở Hội An.
Ngoài ra, du khách cũng rất thích thưởng thức các món đặc sản khác của Hội An như chè bắp, bánh tráng đập, bánh ít, bánh bao, bánh su sê…Cũng là các thứ chè, thứ bánh đó, cùng nguyên liệu, mà sao ăn ở Hội An thấy ngon hơn hẳn nơi khác? Giải thích điều này, các mệ bán hàng trả lời đơn giản: “Bắp nì, gạo nì, mì nì…trồng trên đất cồn, tưới nước từ con sông xứ sở nên có vị ngon ngọt rất đặc trưng của Hội An, vậy thôi !”. Đặc biệt, Hội An có bánh quai vạc nhân chả tôm quết nhuyễn, vỏ bánh bằng bột gạo trắng tinh, nhìn rất bắt mắt, được người Pháp đặt tên là “hoa hồng trắng” (la rose blanche) rất nổi tiếng...
Du lịch, GO! - Theo GIAO THUỶ (Báo Phụ Nữ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét