Miệt Thất Sơn với bao câu chuyện nhuốm màu liêu trai, giờ đã khác xưa nhiều lắm. Ngay như núi Cấm, nơi được xem là hiểm trở nhất, kỳ bí nhất, cũng đã trở nên gần gũi. Nhưng bên cạnh sự phát triển tất yếu ấy, người ta vẫn thấy tiếc...
“Thất Sơn nằm ở vị trí đắc địa, vừa có núi non hiểm trở để trú ẩn, khi cần có thể nhanh chóng theo sông Tiền, sông Hậu xuống đồng bằng, hoặc thoát ra biển Tây; cũng có thể dễ dàng lánh sang đất Campuchia. Hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, vị trí đắc địa của Thất Sơn khiến vùng đất này càng trở nên huyền bí. Tôi nghĩ tới đây cần tiếp tục phát triển các đề tài nghiên cứu, sưu khảo về con người và vùng đất lịch sử này” - TS Lâm Quang Láng, phó giám đốc Sở VH-TT&DL, phó chủ tịch Hội Sử học tỉnh An Giang, bày tỏ.
Chạy Mau và Nhớ Xứ
Tại Vồ Pháo Binh, ấp Thiên Tuế, chúng tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Mau (Sáu Mau, sinh năm 1944), hiện là thủ từ điện thờ Ngọc Hoàng trên đỉnh Bò Hong. Ông Sáu là dân Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang), chạy giặc Pol Pot rồi trở thành cư dân núi Cấm từ năm 1978. Mặc dù vậy, ông Sáu vẫn luôn tự hào là lớp cư dân đầu tiên của vùng đất này, bởi trước đó núi Cấm được coi là chốn thâm sơn, chỉ những người tu hành hoặc muốn sống cuộc đời ẩn dật như những đạo sĩ mới tìm đến. “Mỗi người mỗi quê, nhưng ai nấy hẹn nhau hễ nhà có việc thì phải lên tiếng để mọi người biết đến giúp đỡ hoặc chung vui. Vậy mà nhiều lúc săn được con thú rừng, dùng tay làm loa hú vang núi, họa hoằn mới có người nghe tìm tới chơi” - ông Sáu Mau nhớ lại những ngày mới lên núi Cấm lập nghiệp.
Trên vùng đất mới, vợ chồng ông Sáu đã miệt mài khai hoang, mở đất lập vườn trồng xoài, mít, chuối, su hào... Cách tuần lễ nửa tháng ông Sáu lại lưng đai, vai gánh vượt dốc núi trong sương mù để mang mấy món trái cây, đồ rẫy xuống chợ bán, rồi mua gạo, muối, dầu hỏa thắp sáng gánh ngược trở lên. Bận nào xuống chợ ông cũng khởi hành từ lúc 4g-5g sáng, vậy mà mãi tới tối mịt mới quay về đến nhà.
Bên bữa cơm chiều với món gà rừng hấp măng núi, thêm chút “đưa cay”, ông Sáu Mau trút hết tâm sự: “Biết tại sao tôi tên là Mau không? Hồi đó giặc giã dữ lắm, hết Tây rồi tới Nhật đánh nhau hà rầm; gia đình phải liên tục chạy loạn. Vậy nên tía chọn cái tên Chạy (Năm Chạy) đặt cho người anh kế của tôi; còn tôi là Mau (Sáu Mau).
Tía dẫn mấy anh em tôi tản cư gần như khắp các tỉnh miền Tây, cuối cùng thì về Vĩnh Gia, Tri Tôn (An Giang). Tới phiên tôi lại tiếp tục đưa vợ con chạy giặc Pol Pot lên tuốt trên đỉnh núi Cấm. Cho nên khi sinh con, tôi đặt đứa đầu là Nguyễn Văn Nhớ (Hai Nhớ), đứa kế Nguyễn Văn Xứ (Ba Xứ). Hi vọng tụi nhỏ dù đi đâu, làm gì cũng nhớ quê hương, bản quán!”.
Nghe ông Sáu Mau kể chuyện gia đình, chúng tôi chợt nhớ lời ông Ba Ban, nguyên phó ban quản tự chùa Phật Lớn: “Núi Cấm phần lớn là dân xứ khác đến lập nghiệp, lại phải đối mặt với bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Hoàn cảnh và điều kiện đó đã xây dựng cho người dân núi Cấm tinh thần đoàn kết và hiếu khách. Đó là vốn quý khi núi Cấm thành khu du lịch trọng điểm của địa phương”.
Đổi thay từng ngày
Núi Cấm đã chuyển mình đi lên thật nhanh, ngay cả người dân sống lâu năm ở địa phương cũng khó ngờ tới. Mấy năm trước, khi điện lưới quốc gia về tới vồ Đầu, ông Sáu Mau đã mừng quýnh, bỏ thêm mấy chục triệu đồng mua dây, cắm cột kéo luôn về nhà mình, giã từ cảnh chong đèn bắt muỗi cho con. Có điện, điện thoại di động, tivi, đầu máy và cả Internet nhanh chóng đi theo. Rồi trường học, trạm xá, hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt và cả điểm chiếu phim, tường thuật bóng đá quốc tế màn hình phẳng... lần lượt xuất hiện. “Thiệt tình tôi không nghĩ có ngày lớp con cháu mình sướng như vầy: hít thở không khí núi rừng nhưng ăn uống, sinh hoạt, giải trí như người đô thị” - ông Sáu Mau tâm sự.
Nguyễn Hiếu Trung, công nhân chế biến gỗ ở Bình Chuẩn (Bình Dương) nhà cạnh chùa Phật Lớn, hôm đưa bạn về quê dự lễ khánh thành tượng phật Di Lặc, nói: “Mấy năm trước, mỗi lần về thăm nhà tôi phải xin nghỉ phép cả tuần, vì nội chuyện đi lại đã mất phân nửa thời gian, nhưng bây giờ xe 16 chỗ đưa khách chạy thẳng lên núi, mất chưa tới 20 phút. Khỏe thiệt”. Hòa cùng niềm vui này, Nguyễn Văn Thành, lái xe ôm nhà gần giếng Vua Gia Long (đồi Thiên Tuế), người đưa chúng tôi đi tham quan núi Cấm, khoe: “Bây giờ có đường rồi, khách du lịch lên núi nhiều hơn, tụi tôi kiếm bét lắm cũng vài trăm ngàn đồng mỗi ngày, cuộc sống dễ thở nhiều rồi”.
Cũng nhờ có đường mà cha Thành được đoàn bác sĩ dưới xuôi lên khám, phát hiện ông bị mù do đục thủy tinh thể. Sau đó, cùng với mấy chục trường hợp tương tự ở núi Cấm, ông cụ đã được mổ mắt miễn phí, thấy lại ánh sáng sau gần chục năm sống trong cảnh mù lòa.
Tiếc nuối
Ông Nguyễn Thành (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên), người có hơn 20 năm dành thời gian đi bộ tham quan khắp núi Cấm, chia sẻ: “Có đường ôtô lên núi Cấm thì tốt cho dân sinh, nhưng muốn phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, thì chỉ con đường này là chưa đủ. Dành thời gian thong thả leo núi, vừa hít thở không khí núi rừng, vừa thưởng thức từng cảnh sắc thiên nhiên có hấp dẫn riêng của nó. Tiếc là dường như đường đi bộ đã bị lãng quên, trở nên xuống cấp, kém vệ sinh quá”.
Lão đạo sĩ Ba Lưới, người đã hơn 70 năm bốc thuốc cứu người ở núi Cấm, ngậm ngùi tiếc nuối ở góc độ khác: “Hồi trước núi Cấm là kho dược liệu, cả các loại thuốc quý như nhân sâm, linh chi cũng không thiếu. Nhưng do người ta săn lùng quá, hái tràn lan không chịu dung dưỡng nên đã cạn kiệt gần hết. Nhiều loại trước đây chỉ cần ra sau núi là có, vậy mà bây giờ khi cần tôi phải gọi điện cho người ta gửi từ Nam Vang (Phnom Penh - Campuchia) sang”. Không chỉ cây thuốc, nhiều loại thực vật đặc trưng của núi Cấm như cây thiên tuế, mọc trên một vùng rộng lớn, có cây gốc lớn hai người ôm không xuể, giờ sắp bị xóa sổ.
“Nhiều người hỏi tại sao có địa danh đồi Thiên Tuế, tôi giải thích, họ đi một vòng tham quan rồi trở lại nói: Bác nói chơi hay sao, chứ cháu có thấy cây thiên tuế nào bằng tuổi bác đâu!”- ông Ba Lưới cười gượng, kể.
Trong khi đó, ông Ba Hải, một võ sư ở Cần Thơ, sau khi hành hương về xứ sở của những đạo sĩ lừng danh miệt Thất Sơn, nghe người dân địa phương nhắc về họ đã xuýt xoa: “Vùng Thất Sơn có rất nhiều bậc chân tu, võ công cao cường, những câu chuyện truyền miệng trong dân gian chỉ là một phần nhỏ so với thực tế. Phải chi trước đây người ta nghĩ tới việc sưu tập các bài võ tinh hoa, bí truyền của các cụ”.
Du lịch, GO! - Theo Tấn Đức (báo Tuổi Trẻ), ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét