Mang đặc trưng của kiến trúc Chăm cổ, tháp Nhạn là điểm dừng chân của nhiều du khách khi đặt chân đến Phú Yên. Vị thế đắc địa – nằm trên đỉnh một ngọn núi nhỏ ngay giữa trung tâm thành phố Tuy Hòa, ngọn tháp cổ kính này càng thêm thơ mộng.
Tháp Nhạn ở Phú Yên gần giống như cụm tháp Bà ở Nha Trang. Điều rất lạ là lòng tháp hoàn toàn không có bệ thờ và tượng thần linh như các ngọn tháp khác dọc theo dải đất miền Trung. Theo các tài liệu, tháp này có tuổi thọ lên đến ngàn năm tuổi. Phần thân tháp được chia làm ba phần tượng trưng cho trần tục, tâm linh và thần linh trong tín ngưỡng người Chăm.
Kiến trúc được thiết kế và xây dựng hài hòa, thanh thoát. Càng lên cao, tháp càng nhỏ dần, trông rất vững chãi và chắc chắn mặc dù người ta không nhìn lấy hồ, keo kết dính các viên gạch lại với nhau. Cùng với Linga trên đỉnh tháp, các nhà nghiên cứu cho rằng hình dáng tháp cho thấy đây là tháp thờ Linga của người Chăm cổ. Điều đó lý giải tại sao tháp không có bệ thờ hay tượng khác bên trong.
Tên tháp Nhạn lấy từ tên ngọn núi xây dựng tháp. Ngọn núi cao khoảng 60 mét xưa kia có rất nhiều chim nhạn sinh sống. Nhìn từ trên cao, hình dáng quả núi như chim nhạn xòe cánh. Người dân Phú Yên rất tự hào về vùng đất này.
Nhắc đến núi Nhạn, người ta nhắc đến sông Đà – tên gọi rút ngắn của sông Đà Rằng chảy qua lòng thành phố Tuy Hòa. Đó là vùng đất thơ, làm xao xuyến bao thi sĩ qua nhiều thế hệ. Nhà thơ Trường Xuyên thời tiền chiến đã từng đi qua đây và viết: “Sông Đà mây nước trôi ngày tháng/Chia biệt còn lưu mấy nhịp cầu/Dưới nguyệt đi về thương bóng lẻ/ Ngùi ngùi non Nhạn gió đưa thu”.
Từ đỉnh núi Nhạn, du khách có thể thấy toàn cảnh thành phố Tuy Hòa. Phía kia là núi Chóp Chài. Xa hơn nữa là ngọn núi Đá Bia nổi tiếng. Phố xá trải dài dọc theo bờ biển tuyệt đẹp. Dưới chân núi là dòng sông Đà thơ mộng chảy ngang.
Đoạn qua thành phố, mặt rộng sông có hơn ngàn mét. Người ta đã xây cầu đường bộ và đường sắt nối liền hai bờ. Từ đó, cầu Đà Rằng trở thành cầu vượt sông dài nhất miền Trung. Sự kết hợp giữa núi Nhạn và sông Đà hài hòa đến nỗi nhắc đến Tuy Hòa, Phú Yên, người ta nhắc đến sông Đà và núi Nhạn. Và những bài thơ viết về Phú Yên ít nhiều vẫn nhắc đến cặp đôi này.
Cả ngày lẫn đêm đều có người lên tháp Nhạn. Từ trên tháp vừa có thể ngắm bình minh từ biển và hoàng hôn từ núi. Ban đêm, tháp Nhạn lung linh huyền ảo bởi đèn nghệ thuật chiếu sáng. Đứng cách xa vài cây số, người ta vẫn nhìn thấy rõ ngọn tháp.
Ánh đèn sáng rực dọc hai bờ sông, chiếu sáng trên những chiếc cầu dài ngoằng, chiếu sáng trên những con phố, mái nhà… tạo nên phong cảnh hữu tình. Hằng năm, vào dịp Nguyên tiêu, sân tháp Nhạn trở thành điểm sinh hoạt Ngày thơ Việt Nam, thu hút đông đảo nhà văn, thi sĩ, nghệ sĩ tham gia.
Người ta kể rằng khi vừa đặt chân đến miền Trung, nhìn từ xa tưởng tháp Nhạn là pháo đài, quân đội Pháp đã nã súng vào ngọn tháp, gây hư hại một phần thân tháp. Trải qua năm tháng chiến tranh, tháp liên tục hứng bom đạn và xuống cấp. Dù vậy, ngọn tháp vẫn không bị đổ nát. Sau này, khi phát triển du lịch, bảo tồn tháp Chăm cổ, người ta đã phục dựng lại ngọn tháp theo kiến trúc nguyên bản, tạo thành điểm đến hấp dẫn.
Phú Yên hiện đang thành điểm nóng của du lịch miền Trung từ khi vịnh Xuân Đài được xem là vịnh biển đẹp của quốc gia. Đến Phú Yên, du khách vẫn tìm được nét bình dị, dễ thương của đất và người.
Ngoài cảnh đẹp hoang sơ và các di tích, kiến trúc được bảo tồn tốt, lòng hiếu khách và sự thân thiện của người dân Phú Yên đã níu chân du khách của mọi miền đất nước. Đến Phú Yên, du khách có thể thiết kế chương trình nghỉ dưỡng và khám phá trong hai ngày để thăm thác và tận hưởng cảm giác biển mênh mông, hoang dã của vùng đất này.
Từ núi Nhạn-sông Đà, du khách di chuyển về hướng Bắc theo hướng Sông Cầu, khám phá các bãi biển đẹp, ghềnh Đá Đĩa độc đáo, đầm Ô Loan trù phú và nhà thờ Mằng Lăng cổ kính. Ngược về hướng Nam có núi Đá Bia, vịnh Vũng Rô gắn với chiến tích của Đoàn tàu không số; và cách đó không xa là mũi Đại Lãnh được xem là cực Đông của Việt Nam.
Đến với tháp Nhạn
Du lịch, GO! - Theo Đề Quy (báo Cần Thơ), ảnh internet.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét