Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Ký sự đường 10 - Kỳ cuối: Thương lắm trẻ vùng cao

(Tiếp theo) - Bản Bạch Đàn nằm giữa một thung lũng nhỏ bốn bề là những dãy núi cao vời vợi. Thượng tá Đặng Ngọc Tiến, Chính trị viên Đồn biên phòng 601- Làng Mô chấm phá cho tôi một vài nét căn bản về đời sống của đồng bào Vân Kiều ở bản. Anh chốt lại một câu cuối: "Bản còn nghèo lắm, bộn bề khó khăn!".

< Một góc bản Bạch Đàn.

1- Trong những ngày lăn lộn viết Ký sự đường 10, về lại thành phố Đồng Hới, tôi vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Ngẫm nghĩ rồi chợt vỡ òa ra... Những đứa trẻ Vân Kiều dọc theo đường 10 sống, học tập, vui chơi như thế nào so với đồng trang, đồng lứa của chúng ở miền xuôi? Vậy là tiếp tục hành trình ngược lên đường 10 để tìm hiểu.

Cách đây 10 năm tròn, tôi đã đến bản Bạch Đàn. Ngày đó người dẫn đường cho tôi là chị Hồ Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lâm Thủy. Đường vào bản gập ghềnh, chỉ là lối đi hẹp xuyên giữa đại ngàn Trường Sơn. Muốn đến được với bản, tôi cùng chị Hà phải trèo qua chín quả đồi cao, lội thêm chín lần suối.

Sức trẻ như tôi cố bám theo bước chân thoăn thoắt của chị Hà cũng "bở cả hơi tai". Thỉnh thoảng, chị động viên tôi: "Cố lên, chỉ còn tầm quăng rạ nữa là tới nơi".

< Học sinh bản Mít, xã Kim Thủy đi bộ hơn 5km đến trường.

Bây giờ trở lại Bạch Đàn không còn phải cắt rừng, trèo non, lội suối. Con đường nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây vào bản đang được gấp rút hoàn thành, rộng thoáng. Xe máy cài số hai, chạy rì rì tầm 30 phút là đến bản.
Bản Bạch Đàn có 46 hộ, 217 khẩu. Dù địa hình chia cắt, xa trung tâm xã, nhưng được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đến nay Bạch Đàn đang dần định hình bản kiểu mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Lâm Thủy. Ngoài hệ thống trường học, nhà văn hóa, hệ thống lưới điện... bây giờ có thêm con đường, bản Bạch Đàn xích lại gần hơn với trung tâm xã và miền xuôi.

< Lớp mầm non bản Bạch Đàn trong giờ học.

Điểm trường bản Bạch Đàn thuộc Trường TH và THCS xã Lâm Thủy có 33 học sinh từ lớp một đến lớp 5. Cắm bản dạy học gồm 4 giáo viên trẻ từ miền xuôi lên. Chung khuôn viên với điểm trường là lớp học mầm non gồm 17 cháu do cô giáo Cao Thị Măng làm chủ nhiệm. Thầy giáo Nguyễn Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường TH và THCS Lâm Thủy, người từng có thâm niên 10 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người tại xã Lâm Thủy tâm sự rằng: "Chúng tôi vào cắm bản Bạch Đàn dạy chữ đầu tiên, ngày đó đi bộ, vất vả lắm! Những lúc gặp mưa, lũ lụt chia cắt mất đường ra, thầy giáo ở lại hàng tháng trời với bản, với dân, với học sinh. Lương thực cạn dần, chỉ biết nhờ vào dân. Đồng bào Vân Kiều thương thầy giáo dưới xuôi, hạt gạo, củ sắn, củ khoai đều mang cho. Sự nghiệp giáo dục tại bản Bạch Đàn từ đó phát triển dần lên. Con em trong bản đều chịu khó đến trường, không ai bỏ học giữa chừng".

< Bố mẹ lên rẫy, chú bé Vân Kiều bản Bạch Đàn ở nhà một mình.

Trưa tháng năm nắng gắt, nhóm bạn: Hồ Văn Lửa, Hồ Văn Tam, Hồ Thị Dương và Hồ Thị Vừa... cùng học lớp 5 mang sách vở ra ven bờ suối trốn nắng, tranh thủ học bài. Những đứa trẻ Vân Kiều ngoan hiền, tóc cháy khét nắng, bàn tay chai sạn chăm chỉ lật từng trang sách. Tiếng trẻ học bài vang vọng giữa đại ngàn Trường Sơn. Hồ Thị Vừa, Chi đội trưởng Đội thiếu niên tiền phong ra dáng là một thủ lĩnh, em cho biết: "Chúng cháu phải cố gắng học cho giỏi, để sau này tiếp tục vượt qua rặng núi cao kia, đem cái ánh sáng văn minh về cho bản. Để bản Bạch Đàn không còn nghèo khổ như bây giờ nữa".

< Nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ bản Bạch Đàn.

Bản Bạch Đàn còn nghèo lắm, như lời Vừa nói. Tôi đi một vòng quanh bản, thấy đâu đâu cũng ngập đầy cỏ dại. Vài con bò thả rông uể oải gặm cỏ, một vài con chạy vào dưới gầm nhà sàn tránh nắng. Những ngôi nhà sàn lợp lá lúp xúp, xơ xác trong nắng rát. Những đứa trẻ áo quần sờn rách, chân trần vẫn vô tư chơi đùa. Bữa cơm trưa của vợ chồng Hồ Văn Dư, Hồ Thị Mó và hai con gái nhỏ chỉ là nồi cơm trắng và rau rừng. Hồ Văn Dự mời tôi chân tình: "Cán bộ ăn cơm!". "Cán bộ ăn... hết cơm, hai con nhỏ đói cái bụng thì sao?". "Ơ! Không có mô... nhà còn gạo mà!". Cũng như nhiều gia đình khác trong bản, nhà Hồ Văn Dự chủ yếu trồng sắn và các loại đậu, mỗi mùa thu hoạch đem đổi lấy gạo trắng, thắt lưng buộc bụng cũng chỉ đủ lương thực khoảng 6 tháng.

2- Những năm kháng chiến chống Mỹ, Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn chọn Làng Ho (xã Kim Thủy) làm điểm tập trung vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm để gùi thồ vượt đỉnh đèo 1001 và Khe Hó, chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ quy mô nhỏ, dần dần Làng Ho trở thành điểm trung chuyển hàng hóa lớn của Binh trạm 27, Đoàn 559. Số nhân công bốc vác, gùi, thồ hàng có lúc đến hàng ngàn người. Ở Làng Ho đi qua nước bạn Lào chưa đầy 10km, vào Quảng Trị cũng chừng 20km. Đồng bào Vân Kiều Làng Ho một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, che chở cho bộ đội, hàng hóa, vũ khí, đạn dược... an toàn. Làng Ho trong thời bình, gia đình nào cũng có công sâu nặng với quê hương, đất nước.

Tri ân với đồng bào Vân Kiều Làng Ho, chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" hỗ trợ trên 3 tỷ đồng xây dựng tại Làng Ho một cụm bản văn hóa với các hạng mục: nhà ở, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch, trạm xá quân dân y kết hợp... Đến Làng Ho, ấm lòng khi thấy trung tâm của bản mọc lên những ngôi nhà khang trang: trạm xá quân dân y kết hợp, trường học, nhà văn hóa... Nhưng đi sâu vào tìm hiểu các bản như bản Mít, bản Trung đoàn, bản Cát, bản Rum... đời sống đồng bào Vân Kiều vẫn còn hết sức khó khăn. Đặc biệt, tại đây sau mấy chục năm hòa bình, người Vân Kiều đêm đêm vẫn sống dưới ánh đèn dầu le lói. Thiếu điện, đời sống tinh thần của bà con còn nghèo nàn hơn.

Trường TH và THCS số 2 xã Kim Thủy đóng tại Làng Ho có 137 học sinh, trong đó bậc TH gồm 8 lớp, 124 học sinh; 1 lớp 6 với 13 em. Để đến trường học cái chữ Bác Hồ, trẻ em Vân Kiều bản Rum, bản Cát phải đi bộ hơn 5 cây số. Thầy cô Trường TH và THCS số 2 Kim Thủy thương các cháu lớp một nhỏ bé, sáng sớm phải huy động xe máy vào tận bản đón các em ra trường.

Buổi sáng, khi con gà rừng te te gáy, ông mặt trời chưa vượt qua dãy núi đằng đông, những đứa trẻ Vân Kiều í ới gọi nhau kịp đến trường. Hành trang của các em ngoài cặp sách là một nắm cơm đựng trong túi ni lon, trưa ở lại trường có chút cầm hơi tiếp tục học buổi chiều. "Các em học sinh của trường thiếu cái gì nhất?"- Tôi hỏi thầy hiệu trưởng. "Các em cái gì cũng thiếu cả. Áo quần, dép, phương tiện đến trường, hay như một mong muốn dung dị của thầy cô, sao cho học sinh mỗi em có một chiếc ăng- gô để đựng cơm. Trời mùa hè, nắng rát như thế này, cơm nắm trong túi ni lon, đến trưa bị ôi, thiu cả. Rứa mà vẫn cố gắng nuốt. Thức ăn kèm theo quanh năm chỉ toàn muối. Sau khi ăn xong, học sinh xuống suối giặt sạch bao ni lon cất vào cặp để ngày mai có cái mà đựng cơm đến trường".

Hồ Văn Sức học lớp 6, là anh cả trong gia đình có 4 anh em. Nhà Sức nghèo, nghèo đến mức ba mẹ không mua nổi cho con tấm áo mới mỗi mùa tựu trường. Thầy hiệu trưởng thương Sức, cứ mỗi lần về nhà lại vận động được ít áo quần cũ lên cho Sức và những học sinh neo đơn khác. Không có nổi một bộ áo quần lành lặn để đến trường là hoàn cảnh chung của những đứa trẻ Vân Kiều. Một phần trong các em, ngày nắng cũng như ngày mưa đều đi học bằng đôi chân trần.

Giống như Hồ Văn Sức, một chú bé khác tôi tiếp chuyện có cái tên khá đặc biệt- Hồ Văn Cà Rịt. Cà Rịt từng về thị trấn Kiến Giang tham gia giao lưu chương trình "Tiếng Việt của chúng em", nên khá mạnh dạn. Hỏi: "Đi học về Cà Rịt biết làm gì?". Đáp: "Cà Rịt biết nấu cơm, quét nhà giúp bố mẹ". Hỏi: "Ước mơ của Cà Rịt?". Trả lời: "Học thật giỏi". "Học giỏi để làm gì?". Cà Rịt cười: "Học giỏi để sau này đi làm thầy giáo".

Thương lắm những đứa trẻ Vân Kiều vùng cao, vẫn biết mỗi ngày đến trường với các em là cả một niềm vui, nhưng sao cái nghèo vẫn còn bám riết lấy đôi chân trẻ thơ nơi đại ngàn Trường Sơn. Điều này cứ ám ảnh lấy tôi trên con đường ngót trăm cây số về xuôi. Rồi ước ao, có một ngày toàn cộng đồng vào cuộc, chăm lo cho thế hệ măng non này cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn.

Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ cuối

Du lịch, GO! - Theo Ngô Thanh Long (web Quảng Bình), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bếp từ, Bep tu, Bếp từ giá rẻ, Bếp từ hồng ngoại, Bếp từ đôi, Bếp điện từ, Bếp hồng ngoại, Bep hong ngoai