Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Chùa động Hang Son - Uông Bí

Di tích - Danh thắng động chùa Hang Son - Uông Bí nằm phía Tây xã Phương Nam, Thị xã Uông Bí tỉnh Quảng Ninh; Tây Bắc giáp Hồng Thái Tây (huyện Đông Triều), Tây Nam giám sông Đá Bạc, Đông giáp hai thôn Hồng Thái, Hồng Cẩm của xã Phương Nam.

Di tích - Danh thắng Hang Son nằm trong dãy núi Chu Cốc: có động Hang Son, Hang Ma, diện tích khoảng 800m², đi thẳng đường trong hang đến Chùa Thượng. Đây cũng là một hang đá tự nhiên thông với Hang Son ở độ cao 200m, so với mặt biển; có núi và Hang Xếp Bằng, diện tích khoảng 50m²; có núi Hang Hổ, diện tịch 200m²; có núi Dê, ở độ cao trên 500m so mặt nước biển, trên đỉnh núi Áng Tiên...

Trong hang động có nhiều nhũ đá với muôn hình vạn trạng kỳ thú; trên núi Chó nhiều cây lâu niên. Xung quanh các dãy núi có dòng sông Ma chạy vòng quanh. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống là dòng sông Đá Bạc chảy từ Tây sang Đông...

Tất cả đã tạo thành Cụm di tích lịch sử - văn hoá và Danh thắng Hang Son với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình sánh ngang với thắng cảnh Chùa Hương - Động Hương tích (tỉnh Hà Tây) và Tam Cốc - Bích Động (tỉnh Ninh Bình). Văn bia trong Đền có đoạn ví "hiếm có nơi nào sánh được".

Dãy núi Chu Cốc có tên Núi Son, trong núi có hang Son và Đền Hang Son rất ling thiêng. Theo truyền thuyết kể lại, vào thời Trần hưng Đạo đã đưa quần về đây mai phục chuẩn bị cho trận đánh quân Nguyên - Mông trên dòng sông Bạch Đằng năm 1288. Trước trận đánh, Trần Hưng Đạo đã vào đền thắp hương khấn thần đền phù hộ và hứa rằng sau khi thắng giặc trở về sẽ làm lễ tạ ơn. Y lời, sau khi thắng giặc trở về Trần Hưng Đạo đã trở lại Hang Son làm lễ tạ ơn, tổ chức khao quân mừng chiến thắng, vẩy rượu lên vách hang, do dự phong hoá của thiên nhiên, vách hang có mầu nâu, từ đó có tên núi Hang Son.

Năm 1329, khi vua Trần Hiến Tông đi du ngoạn đến đây thấy hang đẹp đã cho khắc dòng chữ "Bão Phúc Nham"- (tức: động đẹp trên núi cao mang lại nhiều điều tốt lành). Từ đó, núi Hang Son lại có thêm tên nữa. Sau này, trong các bài văn thơ, bia ký của các triều đại Trần, Lê, Nguyễn đều họi là Bão Phúc Nham. Tuy nhiên, nhân dân vẫn thường quen gọi là núi Son và Hang Son.

Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn: "Núi Chu Cốc ở cách huyện Thuỷ Đường 13 dặm về phía bắc qua đây để vào địa phận Quảng Yên, tức là một dòng sông chảy về phía đông bắc qua đây để vào địa phận Quảng Yên, tức là dòng của sông Bạch Đằng ..."

Qua lời kể của các cụ già và nhân dân trong vùng, nơi đây vẫn lưu truyền thần tích về vị thần được thờ trong Đền Hang Son: Đó là một chàng trai khôi ngô tuấn tú và rất mực thông minh tên là Phạm Chấu. Đi theo học thầy đồ Hoàng Nhật Biến nổi tiếng uyên thông  thiên văn, ngũ kinh và văn chương. Vào vụ hạn hán mất mùa của người dân vùng này, chàng Phạm Chấu đã xem thiên văn, dùng phép thuật cầu mưa đưa nước từ sông vào đồng ruộng, đã quá mệt và hoá thân thành con cá chép trôi theo dòng sông Ma về động Hang Son. Để tưởng nhớ lại công lao của chàng trai, nhân dân địa phương và hai làng Quy Khê, Thuỷ Đường quyên góp và công đức lập đền thờ tại Hang Son và tôn là "Bát Hải Đại Vương".

Qua câu chuyện truyền thuyết trên, thực chất là quan niệm của người ngư dân vùng sông nước. Dây là vì thân hộ mệnh thiêng liêng trông coi 8 cửa biển với ý niệm (đất có thổ công, sông có hà bá), cũng là tín ngưỡng dân gian.
Nghiên cứu tự nhiên, điền dã thực địa Hang Son có từ thời Lý.

Bởi vì cuộc kháng chiến chông giặc Nguyên - Mông lần thứ 3 của Trần Hưng Đạo chọn dòng sông Bạch Đằng làm nơi quyết chiến quyết thắng thì núi Chu Cốc và các hang động trong núi là nơi dấu quân chuẩn bị lực lượng mai phục góp phần làm lên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Vào cuối thế kỷ XVI, Hang Son không những có ngôi đền Hang Son thờ Bát Hải Đại Vương mà còn lao nơi thờ phật. Bia đá khắc năm Giáp Tuất niên hiệu Sùng Khang thứ 7 (1572) có ghi rõ họ tên của người hưng công, công đức tiền của đẻ trùng tu phật điện, tạc tượng phật thờ (bia do Hạ Khuông Ngọc Tưan tự là Tiểu Bần Nạp Đạo Trí soạn và Siển Giáo Đạo Sơn chùa Trấn Quốc viết chữ). Cũng từ đó, hang Son có hai cung thờ: thờ Thần và thờ Phật. Đây cũng là sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và phật giáo của cư dân vùng sông nước nông nghiệp với đạo pháp "Sống tốt đời đẹp đạo".

Vào đầu thế kỷ XX, Hang Son trong núi Chu Cốc cũng được trùng tu tôn tạo lớn hơn. Văn bia đề ngày 14 tháng 4 năm Khải Định thứ 10 (1925) do Nguyễn Ngọc Nhuận soạn, Bùi Huy Bích cùng các ký dịch dựng: "trong núi có động, có thánh tượng (thờ Tổ tiên) truyền rằng Quỳ Khê ta thờ thánh đã lâu; (từ xưa có câu ngạn ngữ "Đền làng Khánh, Thánh làng Quỳ") cầu tất ứng, đảo tất thông tỏ rõ linh ứng...".

Đền Hang Son được xây dựng rất khang trang vào thời Nguyễn. Bia dựng năm Bảo Đại thứ 9 (1934) có ghi: "Năm Quý Hợi, thầy trò tôi đến nơi này tiến hành tu tạo; năm Giáp Tuất xây một toà; Năm Lỷ Tỵ sửa chữa một toà tượng Phật, một bộ cửa điện, một đôi câu đối; Năm Nhân Thân đúc một quả chuông".

Do thời gian quá lâu, điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt; các cuộc chinh chiến dựng nước và giữ nước Đền Hang Son, cung thờ phật, tượng pháp, đồ thờ tự... bị thất lạc, các công trình xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Hang Son là nơi sơ tán của Nhà máy ôxi Hải Phòng và Bệnh viên thị xã Uông Bí.

Hiện nay, Đền Hang Son và Chùa Hang Son chỉ còn lại 4 bia đá gồm: Ba chữ Hán khắc trên vòm hang "Bão Phúc Nhan" triều vua Trần Hiến Tông (1329); Bia khắc trên vách hang năm Sùng Khang thứ 7 (1572); Bia hưng công năm Bảo Đại  thứ 9 (1934); Bia "Lưu ký thạch bi" năm Bảo Đại thứ 10 (1935); Bia khắc song ngữ Việt - Pháp năm 1936. Tượng thờ gồm: tượng Đức Ông, tượng Trần Hưng Đạo, tượng Thánh Hang Son và Mẫu Thượng Thiên. Chùa Hang Son có 15 phu tượng Phật (bài trí từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ phải qua trái), một đỉnh hương và một chuông đồng. Các hiện vật tượng pháp và đồ thờ tự có niên đại vào thời Lê, Mạc, Nguyễn, chất liệu chủ yếu bằng đất, gỗ, xi măng hầu hết được dân công đức và phục chế vào những năm gần đây (1987) để có nơi thờ tự và tưởng nhớ công đức các ngài.

Xuất phát từ truyền thuyết và thần tích dân gian vị Thánh Hang Son là người có công cứu dân làng qua khỏi hạn hán mất mùa sau đó hoá thân vào ngày 13/4 (âm lịch). Từ đó, hàng năm nhân dân địa phương và quanh vùng (có cả huyện Thuỷ Nguyên Hải Phòng) đều tổ chức Hội Đền Đức Thánh Hang Son trong hai ngày 13, 14/4 (âm lịch). Theo các cụ cao niên kể lại, Lễ hội Đền Đức Thánh Hang Son được nhân dân tôn sùng, ngưỡng mộ làm Thành hoàng của làng. Vào ngày mở hội, già trẻ gái trai náo nức chuẩn bị lễ vật (cỗ chay và cỗ mặn), áo mũ chỉnh tề, cờ dong trống dục xếp hàng rước lễ của làng, cả họ, của gia đình đến tế thần.

Trong điều kiện kinh tế phát triển, lãnh đạo, Ban quản lý Di tích và nhân dân địa phương đã vận dung Nghị quyết Trung ương X (khoá 9) của Đảng "Xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" đã đứng ra tổ chức Lễ hội trở thành ngày hội văn hoá của nhân dân địa phương. Tờ mờ sáng ngày 13/4 các thôn trong xã cùng nhân dân trong vùng đã tề tự đông đủ tại Bến đò Chợ cầu làm nghi thức rước lễ của làng ra Đền làm lễ tế. Lễ rước gồm: một con lợn to làm sạch, mổ bụng đặt lên bàn gỗ do bốn nam thanh niên khiêng; một mâm bánh dầy; ba mâm hoa quả, trầu cau, rượu, vàng hương... tất cả đoàn rước đi thuyền ra Đền.

Đi đầu đoàn rước là cờ hội, cờ ngũ sắc, trống lẹnh, bộ bát bửu, phường bát âm. đoàn tế, các mâm lễ các chức sắc, quan khách và nhân dân. Khi thuyền cặp bến, các mâm lễ được chuyển và Đền đặt lên ban thờ. ông chủ tế trong bộ trang phục áo dài ngũ thân, đầu đội khăn xếp cùng đội tế vào tư thế chuẩn bị nghi thức tế thần theo nghi lễ truyền thống. Sau khi thắp đèn, hương dâng lễ nghênh thần 4 lần dâng lễ và xướng tế chủ tế và đội tế quỳ bái trước bàn thờ. Cuối cùng đọc bài văn tế (văn khấn), xin âm dương rồi hoá vàng mã. Tiếp theo là các quan khách, cá nhân, dòng họ và du khách thập phương.

Sau khi làm nghi lễ tế thần xong, các mâm cỗ được để lại một phần cho chủ tế, đội tế và thủ từ thụ lộc tại Đền; phần còn lại chia đều cho các hộ mang về gia đình. Trong ngày hội trước kia còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, hát chầu văn, hát chèo cùng các hoạt động nghệ thuật quần chúng khác.

Căn cứ vào giá trị khu di tích lịch sử - văn hoá và Danh thắng Hang Son, ngày 27/2/1999, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 413/QĐ-UBND công nhận Di tích lịch sử - văn hoá và Danh thắng  Hang Son là di tích cấp tỉnh. Cụm Di tích Hang Son có giá trị nhiều mặt về lịch sử - văn hoá, nghiên cứu khoa học, chiến lược quân sự, phát triển kinh tế xã hội và tham quan du lịch trong tương lai. Nơi đây có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình: có núi có sông chạy quanh; có hang động và đền thờ. Trong tương lai cùng với Danh sơn Yên Tử, Hồ Yên Trung, Chùa Bí Thượng và Hang Son tạo thành tua du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Du lịch, GO! - Tổng hợp theo Cổng Thông tin Điện tử TP Quảng Ninh, ảnh Lương Cao Dũng (Panoramio), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bếp từ, Bep tu, Bếp từ giá rẻ, Bếp từ hồng ngoại, Bếp từ đôi, Bếp điện từ, Bếp hồng ngoại, Bep hong ngoai