(Tiếp theo) - Buổi sáng ngày thứ hai, đúng 6 giờ, mọi người gọi nhau dậy thu xếp lều trại, hành lý, ăn sáng nhanh để thực hiện chặng quyết định lên đỉnh Pu Ta Leng. Sau một đêm nghỉ ngơi, dường như mọi thành viên trong đoàn đã lại sức. Đặc biệt là chị Lan đã bớt xanh xao. Điều này càng làm chúng tôi thêm quyết tâm!
Rừng rậm và những con dốc
Rừng càng lúc càng rậm rạp và um tùm. Những thân cây gỗ lớn bị địa y, rêu, nấm phủ dày hàng chục phân khiến khung cảnh càng thêm âm u. Đường đi vẫn là những đoạn dốc muốn hút cạn sức lực từng thành viên. Nhiều đoạn, tôi chỉ muốn lết đi vì có thể như vậy sẽ đỡ mệt hơn là đi bằng hai chân.
< Những thân cây cổ thụ to vài người ôm không hết.
Tới chặng nghỉ chân nào chúng tôi cũng nằm vật ra giữa bụi cây, tảng đá mà thở. Vơ vội chai nước mát lấy từ những con suối trên đường đi mà tu ừng ực.
Trong suốt hành trình chinh phục Pa Ta Leng, chúng tôi tận dụng triệt để nguồn nước suối rừng trong vắt nhưng lạnh buốt. Mỗi khi đụng tay xuống hứng nước hay để rửa mặt cũng đủ thấy cảm giác tê cứng. Rồi chỉ cần hai lần té nước lên mặt thì da mặt cũng hoàn toàn mất cảm giác.
Còn nếu muốn ngâm chân xuống suối thì đúng là một cảm giác mạnh! Nhưng chỉ một lúc bạn sẽ quen dần.
< Rừng trúc từ độ cao 2.900m đổ lên.
Cảm giác buốt cứng qua đi, sau đó bạn sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Chúng tôi thường làm vậy mỗi khi nghỉ ăn trưa. Bởi điểm dừng luôn gần một con suối nào đó, vừa thuận tiện cho việc lấy nước, vừa vệ sinh và đun nấu.
Sau gần hai tiếng đồng hồ hì hục leo, chúng tôi đã đến được độ cao 2.422m mà đáng lẽ đoàn phải chinh phục từ chiều hôm qua. Chúng tôi quẳng lại hành lý và đồ đạc ở lại đó luôn, bởi sau khi lên đến đỉnh đoàn sẽ quay trở lại.
Chỉ còn phải mang theo một ít thức ăn cho bữa trưa nay, ai cũng cảm thấy như trút bỏ được gánh nặng đè trên vai suốt từ hôm qua đến giờ. Dễ thở và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Đoạn đường từ đây đã không còn những cây cổ thụ thân gỗ phủ kín địa y như phía dưới nữa. Những cây gỗ lớn đã bắt đầu nhường chỗ cho rừng trúc với thân cây chỉ bằng ngón chân cái.
Mặc dù những người đi rừng trước đây đã phạt trúc mở lối đi, nhưng họ chỉ phạt đến ngang tầm đầu gối. Rất nhiều phần thân trúc bị phạt theo hình vát nhọn. Chính vì vậy mà cho dù bạn có mặc quần dài và dày thế nào thì cũng không tránh bị những gốc trúc đâm vào bắp chân đau nhói. Mồ hôi chảy xuống lại càng xót và buốt vô cùng.
< Hoa đỗ quyên vàng.
Chúng tôi phải di chuyển rất cẩn trọng bởi nếu bị ngã trong địa hình này lập tức sẽ bị gốc trúc nhọn hoắt đâm vào người, cực kỳ nguy hiểm. Nếu có một ngày bạn leo rừng như chúng tôi, nên chú ý đi găng thật dày để bảo vệ tay.
Chúng sẽ giúp bạn bám tốt vào đất đá, cây cối bên đường mà không bị trày xước. Chớ để tay trần sẽ chỉ khiến làm mồi cho những cành cây gai, cây bụi trên đường.
Tôi cứ nghĩ không phải mang hành lý sẽ giúp đoàn di chuyển nhanh hơn nhưng hoàn toàn không phải. Hàng loạt đoạn dốc vẫn làm chúng tôi thở không ra hơi, mệt không kém như khi còn mang đồ. Leo được khoảng 20 – 30m chúng tôi lại phải dừng lại nghỉ. Nhiều lúc bị đuối hơi, nước nhờn trong cổ họng cứ đâu trào lên lại càng thêm khó thở và mệt mỏi.
Đặc biệt, càng lên cao thì gió càng rít mạnh, càng cảm thấy lạnh. Mặc dù khi vận động sẽ sinh nhiệt và khiến cơ thể toát mồ hôi, nhưng bạn vẫn thấm thía được cái lạnh. Bên cạnh đó, trời cũng có nắng nhưng chẳng thấm tháp gì. Cả đoàn phải nai nịt một chiếc áo khoác, đội mũ hoặc bịt khăn kín mít quanh đầu để bớt lạnh.
Đỗ quyên kiêu hãnh
< Hoa đỗ quyên tím ngắt.
Đến vị trí 2.800m chúng tôi đã có thể với tay bứt được những bông đỗ quyên kiêu hãnh mà trước đó chỉ biết đứng từ xa dùng máy ảnh zoom hết cỡ mới ngắm và chụp ảnh được.
Từ đoạn này, càng lúc chúng tôi càng bắt gặp nhiều cây đỗ quyên với đủ sắc tím, hồng vàng ở trên đầu, trước mặt, thậm chí là cánh hoa đỗ quyên rụng đầy lối đi. Đi được vài bước, chúng tôi lại reo lên báo hiệu cho nhau về hoa đỗ quyên mà mình bất chợt bắt gặp.
Thích nhất là những chùm hoa đỗ quyên tím trong tầm mắt, khi chụp ảnh cũng không cần phải zoom quá nhiều. Thi thoảng ở những khu vực cao, không bị tán lá che, cả đoàn lại choáng ngợp trước những vạt đỗ quyên nở dày đặc trên những sườn núi.
Đây cũng là lần đầu tôi được tận mắt chứng kiến những cây hoa đỗ quyên màu tím có thân cổ thụ và cao lớn đến vậy. Khác hẳn với những chậu hoa đỗ quyên bé xíu thường thấy ở Hà Nội. Ai nấy đều tranh thủ chụp hoa rồi chụp hoa với người cho thỏa thích.
< Bữa trưa của đoàn dưới bóng hoa đỗ quyên ở độ cao 2.922m.
Đúng 11 giờ 47 phút, đoàn chúng tôi lên được đến vị trí 2.922m. Đứng từ độ cao này, hướng mắt ra xa là có thể thấy được ngọn Bạch Mộc Lương Tử kiêu hãnh với độ cao 2.998m cũng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, sánh vai bên cạnh ba đỉnh núi cao nhất Việt Nam là Fanxipang (3.143m), Pu Ta Leng (3.096m) và Phu Xi Lùng (3.083m).
Đặc biệt, điểm dừng chân nghỉ ăn trưa, dưỡng sức để chinh phục nốt đỉnh 3.049m. Khung cảnh thật quá nên thơ khi được ngồi ăn dưới tán hoa đỗ quyên nở tím rực trên đầu.
Nắng cũng thật đẹp nhưng vẫn còn khá lạnh. Ngồi ăn một lúc là cơ thể bắt đầu cảm thấy lạnh hơn. Điều bất ngờ nhất là khi có một thành viên đoàn đi "giải quyết nhu cầu" đã vô tình phát hiện ra một khung cảnh cả một vạt rừng hoa đỗ quyên hồng và tím mọc san sát.
Từng chùm hoa nở kín đặc tạo thành một tấm thảm hoa đẹp đến ngoạn mục. Có lẽ đây là cảnh "độc nhất vô nhị" đáng xem nhất ở Pu Ta Leng!
Tất cả chúng tôi đều không ai còn tin vào mắt mình trước cảnh đẹp kỳ vĩ ngoài sức tưởng tượng. Ngay cả hai trai bản Páo và Đức cũng sửng sốt vì lần đầu được chứng kiến. Quả thực rất may khi đoàn chúng tôi đến Pu Ta Leng đúng thời điểm hoa đỗ quyên nở rộ và rực rỡ nhất.
Chúng tôi vui tới độ cứ reo hò như lũ trẻ nhỏ được người lớn cho kẹo. Được sống giữa cảnh trời mây, hoa lá đẹp như trong tiên cảnh khiến trong lòng ai cũng thấy lâng lâng, ngập tràn hạnh phúc.
Mọi người đều trèo lên một cây đỗ quyên gần nhất, để thu vào tầm mắt những hình ảnh đẹp và hiếm có khó tìm này. Đây có thể là lần đầu và lần duy nhất chúng tôi được thấy một khung cảnh về hoa đỗ quyên đẹp đến nao lòng ở Pu Ta Leng. Hình ảnh những người bạn của tôi đứng trên những ngọn hoa đỗ quyên và lọt thỏm giữa thảm rừng hoa sắc tím sẽ còn mãi trong mảng ký ức của tôi về chuyến đi này.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3
Du lịch, GO! - Phượt ký của Long Hy - Thi Nguyễn (iHay.Thanhnien)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét