Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Chuột đồng xào lá mãng cầu

Tôi hiện công tác ở một thành phố, cứ cách tháng là lên xe về huyện Cờ Đỏ (Ô Môn, Cần Thơ) thăm gia đình. Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên với đầy ắp những kỷ niệm thân thương nơi quê nhà yêu dấu.

Khi xưa, quê tôi là vựa cá đồng lớn nhất miền Tây. Cá lóc, cá trê, cá rô… nhiều vô số kể. Hằng ngày các thương lái mua cá từ nông dân bán cho các vựa để cung cấp về các chợ đầu mối như quận Ô Môn, Cái Răng và chợ Cần Thơ…
Mỗi khi đặt chân về đến quê nhà, lòng tôi lại rộn ràng nghĩ đến bác tôi – người thích “lai rai”, có năng khiếu săn bắt và cũng thích tự mình vào bếp chế biến món ăn. Hễ tôi về nhà buổi sáng, chiều đến là bác rủ tôi ra đồng (hay vào vườn) tìm mồi “bén” nhậu chơi.

Nơi quê tôi, mỗi mùa đều có những thú vui săn bắt khác nhau: khi thì tát mương, tát đìa bắt cá, khi đào hang bắt chuột, bắt ếch, bắt rắn ri voi, hổ hành, gác cu…
Năm nay tôi về quê cũng là lúc nước lũ tràn về ngập trắng cánh đồng. Gặp tôi, bác mừng vô hạn và đề nghị tôi cùng với bác đi “giậm cù” bắt chuột cho vui. Đặc tính của lũ chuột đồng là khu trú nơi hang vào mùa khô, nay nước ngập sâu không còn chỗ dung thân. Thế là chúng tìm đủ mọi cách lên gò cao trú ẩn, bác cháu tôi chỉ cần dùng tấm lưới rộng ra đồng bao quanh nơi gò, chừa một ngõ thoát và nơi ấy đặt một cái “xà di” (*) để đón chúng.

Sau đó, hai bác cháu dùng cây đập mạnh vào các bụi rậm để chúng hoảng hồn chạy thoát thân và chui vào rọ. Chỉ trong vòng khoảng một tiếng, hai bác cháu thu hoạch “chiến lợi phẩm” hơn 20 con chuột đồng một cách dễ dàng. Sau khi mang chuột về nhà, tôi hỏi bác: ”Có món gì độc không bác, chứ chuột xào lá cách, xào lăn, nướng lu... ở thành phố con ăn hoài ngán quá, bác ơi!”. Bác vui vẻ nói: ”Cháu đừng lo, bác sẽ đãi cháu một món ăn đảm bảo không đụng hàng, tìm khắp các nhà hàng ở thành phố cũng không thấy đâu!”.

Nghe bác nói chắc nịch như thế khiến trí tò mò trong tôi càng tăng lên. Sau đó, bác chẳng nói chẳng rằng quày quả ra sau vườn hái những đọt non lá mãng cầu xiêm đem ra sau nhà rửa sạch trước sự ngạc nhiên của tôi. Thấy tôi nhìn với vẻ e ngại vì lá mãng cầu có mùi hăng nồng, khó ngửi; và trong ký ức tuổi thơ hồi ở dưới quê tôi vẫn nhớ, mỗi khi bị chảy máu cam, má thường hái lá non mãng cầu xiêm vò dập nhét vào lỗ mũi tôi. Và như một “phương thuốc thần kỳ”, chỉ trong chốc lát máu nơi mũi ngưng chảy! Riêng lá mãng cầu xiêm chế biến các món ăn, tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ.

Đoán biết được ý nghĩ trong tôi, bác liền vui vẻ giải thích: “Mãng cầu là loại cây dân dã, dễ trồng nơi đồng bằng sông Cửu Long. Chúng mọc và phát triển tốt tùy theo thổ nhưỡng từng vùng. Căn cứ vào hình dáng trái, mãng cầu có 2 loại: mãng cầu xiêm, trái to thích hợp nơi vùng đất phù sa; còn mãng cầu ta trái tròn nhỏ (miền Bắc gọi là quả na) thích hợp nơi vùng núi, đồi cát. Mãng cầu ra hoa và kết trái vào cuối mùa hè và đầu mùa mưa. Mãng cầu tuy là cây bình dị nhưng có nhiều tác dụng trị liệu trong y học cũng như trong dinh dưỡng (chế biến món ăn), cháu ạ!”...

Theo y học hiện đại, trong 100 gam thịt trái mãng cầu xiêm chín có đạm (1gam), chất béo (0,97g), chất xơ (0,79g), calcium (10,3g), sắt (0,64mg), magnesium (21mg), vitamin C (29,8mg) và các khoáng chất khác… Ngoài ra, các thành phần của cây mãng cầu còn dùng làm thuốc nữa (lá làm thuốc chữa trị cảm, sổ mũi; hạt làm thuốc trừ sâu bọ; vỏ trị tiểu đường, làm dịu cơn đau, chống co giật… Còn trong ẩm thực, trái mãng cầu xiêm (trái già) và lá mãng cầu xiêm non được các bà nội trợ miền Tây rất ưa chuộng trong việc chế biến món ăn như: trái mãng cầu xiêm già trộn gỏi tôm thịt, thịt chuột bằm cuốn lá mãng cầu nướng… Và, hôm nay, món bác chiêu đãi là món “chuột đồng xào lá mãng cầu xiêm”. Và liền sau đó, bác kéo tôi xuống bếp để xem bác trổ tài chế biến món ăn này.

Trước hết, chuột đồng bắt về, bác đập đầu cho chuột chết và ra sau hè lấy bó rơm thui cho hết lông. Khi da chuột hơi vàng, bác dùng dao chặt đầu, chân, đuôi, mổ bụng và moi bỏ bộ đồ lòng (trừ gan), cạo rửa sạch sẽ, để ráo. Bác chặt chuột thành từng miếng vừa đũa gắp. Còn đọt mãng cầu xiêm, bác chọn những lá vừa ăn (không già cũng không non), loại bỏ lá sâu rửa sạch, xắt miếng để ra rổ cho ráo. Tiếp đến, bác ướp thịt chuột (đã sơ chế) vừa khẩu vị với các gia vị (bột nêm + tiêu + củ hành tím xắt nhuyễn, nước màu dừa cho có màu sắc bắt mắt…). Sau đó, bắc chảo lên bếp, phi mỡ tỏi thơm, cho thịt vào xào chín. Cuối cùng, cho đọt mãng cầu (đã xắt miếng) vào. Dùng xạng xào đều đến khi lá mãng cầu ngả màu hơi vàng, cho hành lá xắt khúc vào, nhắc xuống, múc ra đĩa. Cuối cùng, bác chuẩn bị chén nước mắm chanh tỏi ớt cùng chai đế dọn ra sân là xong!

Mặt trời đã ngả bóng về tây, cái nóng oi ả của ngày hè như đã dịu đi. Từng cơn gió nhẹ từ mé sông hắt lên da thịt mát rượi. Thật hạnh phúc và thú vị khi hai bác cháu ngồi xếp bằng trên chiếc sạp tre trước sân nhà cùng nhâm nhi đĩa chuột đồng xào thơm ngon và đầy hấp dẫn! Gắp miếng thịt chuột cùng đọt lá mãng cầu xiêm chấm vào chén nước mắm chanh tỏi ớt đưa lên miệng nhai một cách từ tốn…

Vị ngọt, thơm, béo, mềm của thịt chuột hòa lẫn vị chua nhẹ, dai dai cùng mùi thơm đặc trưng của lá mãng cầu lan tỏa vào vị giác, len xuống thực quản… Thêm một ly đế vào nữa khiến câu chuyện giữa hai bác cháu càng thêm rôm rả không dứt xoay quanh chủ đề về con chuột đồng “phối ngẫu” quá ư tuyệt vời cùng với đọt lá mãng cầu xiêm - một món ăn dân dã mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi...

Nếu có dịp về miền đồng bằng sông Cửu Long – quê tôi – mời bạn hãy tìm cơ hội khám phá cho được món ăn dân dã độc đáo nơi miền sông nước miền Tây này!

(*) Xà di: từ địa phương (gốc của người Khmer). Chỉ tên dụng cụ để bắt chuột. có dạng hình trụ, dài khoảng hơn 1 mét, đan bằng những thanh tre dài, chuốt mỏng, một đầu bịt kín, một đầu có những chiếc hom để chuột chui vào và không ra được.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (báo Tuổi Trẻ)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bếp từ, Bep tu, Bếp từ giá rẻ, Bếp từ hồng ngoại, Bếp từ đôi, Bếp điện từ, Bếp hồng ngoại, Bep hong ngoai