Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 6: Đi tìm mùa len trâu

Chết trong mùa nước nổi là cái chết hành xác, tức tưởi. Trong con nước chụp trắng trời, sâu mấy thước không thể đào huyệt chôn người chết, thân chủ dùng cây nọc cắm xóc tréo để treo thây lên hay neo dưới nước chờ nước giựt...

Đời nước lụt

“Nước lũ tràn về nhấn chìm mọi thứ ở Lình Quỳnh. Cỏ ngâm nước thúi rễ chết, trâu không còn thức ăn đói con mắt đổ ghèn. Chủ trâu xót lòng, thương con vật giúp mình tạo ra hột lúa đang đói lả, lòi be sườn nhìn như cánh cung. Chủ thấy mình bất nhân quá nên thuê người đi len trâu chạy lũ, tìm vùng núi cao chưa ngập lụt cho trâu có cái ăn. Nhưng đi len trâu cũng lắm cái lo, lo đường xa diệu vợi trâu bị trộm cướp bắt, trâu nhiễm bệnh chết giữa đường, trâu mình nhập bầy với hàng trăm con trâu lạ nên bị chúng chém thương tích...” (trích Mùa len trâu  - Hương rừng Cà Mau).

Xem phim Mùa len trâu, những người đứng tuổi rớt nước mắt ngậm ngùi hồi tưởng phận người trong nước lũ, dù cảnh trong phim không đáng sợ như cảnh thực. Đó là cảnh người chết gói bọc ni lông bỏ xác trong cái quan tài, xốc bốn cây chỏi như hình chữ X, treo quan tài lên đó. Người lo xa thì xây cái chòi che quan tài cho người chết đỡ tủi thân, bên dưới làm thêm một cái sàn đề phòng khi giông gió khiến quan tài rơi xuống...

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bùi ngùi khi tâm sự rằng cách chôn xóc tréo đó trở thành nhân chứng bi thương của mùa nước nổi. Nhưng xóc tréo kiểu đó nếu gặp giông lớn, nước chảy ào ào thì 4 cây chỏi quan tài chịu không nổi bị gãy, quan tài hay xác người rơi xuống nước sẽ bị cuốn đi.

Vì thế nơi thưa thớt, nhiều người đã chọn tạm cách thủy táng, họ bó chặt xác người chết bằng nhiều lớp rồi lấy đá cột giằn lên cho nước không cuốn đi. Ngoài ra người ta xốc cây nọc đóng vòng tròn quanh cái xác đã ngâm dưới nước để cá to không lôi ra rỉa hay giông gió to không cuốn xác đi. Sau đó chờ nước giựt, bới xác lên chôn tử tế.

Nhà văn Trịnh Bửu Hoài (61 tuổi, ngụ tại TX.Châu Đốc, An Giang) nhớ lại những năm lũ lớn vùng Châu Phú, Châu Đốc chìm trong nước. Muốn ra khỏi nhà phải đi bằng xuồng ghe, bơi ghe ra đồng hay ra sau hè thấy xa xa chim chóc bay lượn thành quầng trên đọt cây biết nơi đó có treo xác người chết, chim chuột tới rỉa xác. Ai có tiền của thì không nỡ nhìn người thân bị đọa xác nên lên vùng núi cao mua đất chôn cất...

Có những chuyện cười ra nước mắt như xác người để lâu rỉ ra thứ nước thu hút cá tôm, lươn bu tới đớp. Vì thế ban đêm ngư dân tới thả lưới ven đó dính nhiều cá nên ham lắm, gặp khi mưa gió bèn chạy vào chòi đụt, trong sấm chớp đì đùng ngước lên thấy bóng quan tài treo phất phơ như ma quỷ. Một chàng ngư dân hoảng quá phóng xuống xuồng nhưng quên mở dây cột nên bơi mà thấy như có người níu xuồng lại. Càng sợ anh ta càng quýnh quáng vùng hết sức làm cái chòi bị sụp, quan tài rớt xuống sông. Sợ quá anh ta bất tỉnh...

Nước nhảy

Vào năm 1904 lũ lớn kinh hoàng tràn về An Giang biến đường phố Long Xuyên và Châu Đốc thành con sông phải đi lại bằng tàu, bè. Tới năm 1961, mực nước lũ đo tại Tân Châu là 5,11 m, chính quyền cũ ghi lại những thiệt hại này là chết 68 người, 82.000 ha lúa và hoa màu thiệt hại, gần 4.500 nhà bị ngập, 6.500 gia súc bị chết, 300 km đường lộ và 125 cầu bị phá hủy. Năm 1966, lại xuất hiện lũ lớn gây nhiều tổn thất về người và của.

Năm 1978, lũ lớn lại tràn về với mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu là 4,78 m, các năm sau như năm 1984 đỉnh lũ là 4,81 m;  năm 1991 là 4,64 m và năm 1996 là 4,87 m. Trận lũ năm 1996 tại An Giang có 37 người chết, các thiệt hại về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội lên tới hơn 400 tỉ đồng, đó là chưa kể thiệt hại về môi trường sinh thái. Năm 2000, lũ lại hoành hành, mực nước đo tại Tân Châu là 5,06 m;  lũ làm thiệt mạng trên 70 người, tổn thất gây ra lên tới trên 700 tỉ đồng...

Ông Hai Hồng (70 tuổi, ngụ TX.Tân Châu) nhớ lại: “Năm 1961, cả Tân Châu thành biển nước, ngoài sông lớn nước chảy ầm ầm bủa sóng có vòi ngăn ghe tàu qua lại. Ngủ một lúc thức dậy không ai gọi là nước lên nữa mà gọi là nước nhảy vì nó nhảy vọt lên mấy tấc nước. Nhà cửa ở các xã Châu Phong, Vĩnh Xương dù là nhà sàn cao trên 5 m nhưng sàn vẫn ngập”.

Người già bảo lũ rắn rết bị động ổ nên kéo vào nhà trốn và cắn người. Con nít chăm coi sơ sẩy té sông chết. Nước lớn chôn con không được cha mẹ phải gói xác con trong bọc rồi bỏ vào cái khạp hay lu lấy nắp đậy lên, sau đó lấy xi măng trét lại chờ nước rút để an táng.

Nước nổi kéo dài 2-3 tháng, trẻ con, thanh niên ban đầu thấy nước lớn ngập đường nên bơi lội suốt ngày. Nhưng chỉ vài ngày nước ăn lở loét các ngón chân lòi thịt đỏ au, bị đau xốn như dao cắt phải lấy phèn chua xức không dám thò chân đụng nước. Còn người già ngồi rũ rượi, đăm đắm ngước nhìn trời mong gặp chim nhạn trắng bay ra báo hiệu điềm lành nước rút như ông bà xưa vẫn truyền lại. Đâu xa xôi gì, trong năm 2000, cảnh chôn xóc tréo vẫn còn tái diễn ở vùng lũ An Giang, Đồng Tháp.

Năm 2011, lũ lớn tràn về miền Tây nhưng lúc này đường lộ đã được nâng lên, các con đê được đắp cao nên cảnh đau buồn, chết trong lũ không còn cảnh chôn xóc tréo, trẻ em không bị bọc xác chôn trong lu... Bây giờ vạn vật đã thay đổi, không còn mùa len trâu khi hàng trăm ngàn con trâu đi tìm cỏ, con trâu cũng không còn là đầu cơ nghiệp... Đọc Hương rừng Cà Mau ngậm ngùi nhớ lại chuyện thực thời xa xưa...

Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6

Du lịch, GO! - Theo Thanh Dũng (báo Thanh Niên), internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Bếp từ, Bep tu, Bếp từ giá rẻ, Bếp từ hồng ngoại, Bếp từ đôi, Bếp điện từ, Bếp hồng ngoại, Bep hong ngoai